Hành trình từ Huế đến với Mẹ Tapao
ĐÊM
GIAO THỪA NĂM ĐỨC TIN 2013 - Tà Pao là địa danh một vùng núi rừng thuộc
xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Theo tiếng dân tộc K’Ho
thì Tà Pao có nghĩa “Giấc mơ đẹp”. Khi nghe đến địa danh tánh Linh là ai
cũng biết đến một huyện từng bao năm nổi sóng với những nạn phá rừng và
lâm tặc. Chứ người ta ít biết đến địa danh “Tà Pao”.
Xem hình ảnh
Tượng
Đức Mẹ Tà Pao được Đức Cha Piquet, Giám mục Giáo phận Nha Trang làm
phép và khánh thành ngày 8.12 năm 1959. Số người đến cầu nguyện tại đây
rãi rác và có tính chất cá nhân chứ không đông đảo. Tuy nhiên, sau khi
có một số người cả lương lẫn giáo đến đây cầu nguyện và xin ơn khi gặp
cảnh u sầu đau thương, được Mẹ ban nhiều ơn lành thì danh tiếng Mẹ Tà
Pao ngày càng lan rộng khắp nơi. Số người hành hương về bên Mẹ ngày càng
đông đúc. Nhất là mỗi ngày 13 hàng tháng, đều có tổ chức hành hương.
Ngay
cả người viết, cách đây 4 năm, trên chuyến xe khách đi từ Huế vào Ban
Mê Thuột, được nghe chủ xe cũng là lái xe của công ty “111. Nguyễn Trải”
kể chuyện về Đức Mẹ Tà Pao: gia đình này trước đây hoàn toàn là lương
dân, sau khi có một thành viên trong gia đình gặp chứng nan y, chửa trị
tại bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều bệnh viện khác nhưng đành bó tay, anh ta
nghe người ta nói thử đến cầu xin Mẹ Tà Pao. Trong lúc đang chán nãn và
bi thương cùng đường, anh lén trốn gia đình tìm về Tà Pao. Lúc đó, đường
lên núi còn là đường dốc và đất đá chứ chưa có bậc cấp như bây giờ. Khi
đến chân núi, anh bò từng chặng để lên đến bên Mẹ. Suốt hai ngày chỉ ăn
mì tôm sống và uống nước lọc cầm hơi, người lại đang mang bệnh. Thế mà
chỉ sau một đêm quỳ gối và than khóc bên Mẹ, sang ra anh cảm thấy khỏe
mạnh, không có triệu chứng gì của một người bệnh. Anh trở về nhà trong
sự ngỡ ngàng của cả giòng họ. Với một niềm tin son sắt tuyệt đối vào Đức
Mẹ, anh thuyết phục không chỉ vợ con, mà còn cả toàn gia tộc theo Đạo.
Từ đó, trên những chiếc xe khách của công ty “111. Nguyễn Trãi” của Ban
Mê Thuột đều chưng Ảnh tượng Đức Mẹ Tà Pao.
Thật
tình cờ và may mắn, tôi được Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê
Đức Thịnh mời đi tham dự “Đêm Canh thức Giao thừa Năm Đức Tin bên Mẹ Tà
Pao” vào dịp Tết Dương lịch vừa qua.
Xuất
phát từ Huế, sau 2 ngày đêm dong ruỗi trên quốc lộ 1 vượt qua 1 ngàn
cây số, với sự chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi vào đến Ngã Ba 56 Bình
Thuận, rẽ lên thêm 60 cây số đến thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, từ
đó tìm về Tà Pao.
Từ
một vùng đất hoang vu, ít người lui tới. Nhưng khi khách hành hương đổ
về thì trở nên sầm uất, mua bán tấp nập. Mặc dù ven núi nhưng theo một
số người dân ở đây thì giá đất vùng này bây giờ bằng với thị trấn Lạc
Tánh.
Đi
một vòng quanh núi, từ chân núi đi lên Đài Đức Mẹ có hai con đường đi
lên từ hai bên, bên phải có 429 bậc được xây vào năm 2007, bên trái có
400 bậc được xây vào năm 2010. Dọc theo các bức tường thành có dán những
thong báo đề nghị khách hành hương không mua bán với những người buôn
bán dọc theo đường đi lên Đài Đức Mẹ để tránh tình trạng chèo kéo gây
mất trật tự và sự yên tĩnh cho mọi người cầu nguyện. Chính vì việc này,
theo cha Quản xứ Đồng Kho Phaolô Nguyễn Văn Hiếu cho biết, chính Ngài đã
bị những người dân địa phương hành hung vì ngăn cản việc buôn bán của
họ.
Đã
quen với bầu khí của La Vang những dịp hành hương, tại Trung tâm hành
hương Đức Mẹ Tà Pao thật khác lạ. Theo chương trình thì vào 9 giờ tối sẽ
có Canh thức bên Mẹ, và Thánh lễ đón Giao thừa vào lúc 12 giờ. Nhưng
cho đến 6 giờ tối, chung quanh Trung tâm vẫn còn rất thưa thớt, chỉ có
một số tu sĩ và hội đoàn có trách nhiệm hiện diện và chừng vài ngàn giáo
dân. Thế mà chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, từng đoàn xe nối đuôi nhau đổ về,
cả khuôn viên Trung tâm hành hương chen chúc người. Thì ra, từ Tà Pao có
một con đường tắt đi về Phương Lâm và các vùng Long Khánh, Sài Gòn rất
gần, chỉ vài giờ đồng hồ chạy xe.
Đúng
9 giờ tối, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang chủ
sự đoàn rước kiệu Đức Mẹ thật long trọng từ nhà Mục vụ Trung tâm tiến về
Quãng trường, đội kèn Giáo xứ Phú Lâm rầm rộ dẫn đầu đoàn rước, theo
sau là các Đoàn thể và tu sĩ Nam Nữ.
Theo
dự kiến có khoảng 20 ngàn người tham dự, nên ban Tổ chức chỉ chuẩn bị
21 ngàn cây nến, nhưng số lượng khách hành hương qua đông, ước chừng lên
đến khoảng 30 ngàn người, do đó số nến không đủ cho tất cả mọi người.
Đồng thời, dịp này Hiệp sĩ Đại thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh
trao tặng 21 ngàn chiếc Tràng chuỗi do chính Đức Thánh Cha làm phép cũng
không đủ cho khách hành hương.
Chương
trình Diễn Nguyện từ 21giờ đến 22giờ30 do Hội Dòng Đức Maria Mẹ Hy Vọng
phụ trách, một Hội Dòng còn non trẻ do Cha Giuse Maria Huy Kim sáng lập
theo Linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Những
tiết mục được các nữ tu biểu diễn bày tỏ lòng mến yêu và tin tưởng tuyệt
đối vào Mẹ Maria, Mẹ của niềm tin và hy vọng, Mẹ luôn đoái thương và
ban ơn lành cho con cái Mẹ, nhất là người sung mộ và chạy đến cầu khẩn
cùng Mẹ tại Linh địa Đức Mẹ Tà Pao này.
Trong
phần tuyên xưng Đức Tin, Hiệp Sĩ Đại Thánh giá thay mặt Cộng đoàn hành
hương chia sẽ: “Qua nghi thức rửa tội, chúng ta đón nhận nến sáng như
biểu tượng của Đức Tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, chúng ta được mời
gọi bước đi trong ánh sáng Chúa kitô, hết lòng tin tưởng và phó thác đời
mình nơi Người. Con đường Đức Tin chính là con đường chắc chắn nhất dẫn
đưa chúng ta đến với Chúa và các Thánh trên Trời…
Sống
Đức Tin hôm nay là một thách đố cực kỳ khó khăn, con người bị chao đảo
vì những giảng dạy và thực hành sai lạc, trí tuệ hoang mang, trái tim
hoảng sợ, cuộc sống trở nên trống rỗng và vô nghĩa vì con người từ chối
Thiên chúa. Hội Thánh như chiếc thuyền đang gặp cơn bão tố…
Giáo
hội khai mở Năm Đức Tin là để nâng đỡ Đức Tin còn non yếu của chúng ta
để chúng ta biết biểu lộ niềm tin một cách trọn vẹn vào Chúa Giêsu Kitô.
Ba yếu tố chính của Năm Đức Tin là: - Tái khám phá những nội dung Đức
Tin; - Cầu nguyện và cử hành Đức Tin; - Làm chứng tá cụ thể về Đức Giêsu
Kitô, Đấng Cứu độ nhân loại…”
Sau
phần Diễn nguyện để Ngợi khen tôn vinh Mẹ, cộng đoàn bước vào phần Canh
thức và cầu nguyện do Hội Lòng Chúa Thương Xót phụ trách. Sau khi cùng
nhau hát lên bài Nữ Vương Hòa Bình, cộng đoàn cùng nhau sám hối và cầu
nguyện, cùng nhau đọc Kinh tin Kính để cùng nhau tuyên xưng Đức Tin
trước khi bước vào suy gẫm mầu nhiệm Năm Sự Vui. Tràng chuỗi Mân Côi
dâng lên Mẹ với tất cả lòng tin yêu và sốt sắng.
Cũng
trong giờ phút thiêng liêng này, sau tràng chuỗi Mân côi là Chuỗi Kinh
Thương Xót, tất cả mọi người quỳ gối để tỏ bày sự thống hối ăn năn vì
những gì mình đã xúc phạm đến Chúa, làm mất lòng Chúa, đến nỗi Con Một
của Ngài đã phải xuống trần gian để Cứu Chuộc cho chúng ta.
Đúng
vào giờ Giao Thừa, chuyển qua một năm mới, năm Đức Tin, Thánh lễ tạ ơn
long trọng do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang
chủ tế.
Trong
bài giảng lễ, Đức Cha chủ tế nhấn mạnh: “Lời Chúa trong ngày đầu năm
mới như đem đến cho chúng ta phúc lành đặc biệt. Chúa chúc phúc cho
chúng ta, mượn Lời Chúa, tôi xin chúc anh chị em được nhiều ơn lành của
Chúa. Trong Thánh lễ này, chúng ta cầu nguyện cho Tổ quốc được thái
bình, hạnh phúc thật sự. Về bên Mẹ hôm nay, chúng ta chiêm ngắm gương
mặt đầy ơn phúc của Mẹ, xin Mẹ mang đến cho chúng ta phúc lành của Chúa.
Mẹ là Người hướng dẫn cộng đoàn tín hữu trong Năm Đức Tin này. Chúng ta
sum họp về đây, bên Mẹ tà Pao trong đêm Giao thừa linh thiêng này, mỗi
một người đều có khát vọng cầu xin sự bình an hạnh phúc cho riêng mình
cũng như cho Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Mẹ là người kiên vững niềm
tin vào Đức Kitô, nhờ đó Mẹ đã vượt qua bao song gió cuộc đời. Hướng về
mẹ, mỗi người chúng ta hãnh diện và hoch hỏi nơi Mẹ về ơn Đức Tin.”
Chỉ
hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ thể hiện tất cả mọi niềm tin vào Thiên Chúa
toàn năng. Đức Cha chủ tế chia sẽ 3 điều với cộng đoàn:
“-
Mẹ có một Đức Tin vững vàng vì Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa. Hãy yêu mến
Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, vì Lời Chúa là Sự Sống. – Mẹ
kiên vững trong Đức Tin, Mẹ yêu mến và luôn hãnh diện về dân tộc của Mẹ.
Mẹ hãnh diện vì tổ tiên của Mẹ, dân tộc mà Chúa đã chọn để Chúa Giêsu
con Mẹ được sinh ra. -Mẹ hãnh diện vì truyền thống gia đình, dòng tộc
đạo đức của Mẹ, một gia đình hạnh phúc. Hàng năm, dòng tộc Mẹ có truyền
thống lên Đền Thờ Giêrusalem để cầu nguyện, Mẹ không đi một mình mà Mẹ
đi cùng với cả họ hàng, cùng Chúa Giêsu và thánh Giuse.
Khi
sinh Chúa Giêsu trong hang lừa máng cỏ khó nghèo, nhưng Mẹ vẫn kiên
vững lòng tin vào Thiên Chúa, tin tưởng rằng Đức Giêsu chính là con
Thiên Chúa, Mẹ không hề buồn tủi.”
Sau
Thánh lễ, Đức Cha chủ tế làm phép nước Thánh và rãy lên cộng đoàn, hầu
rửa sạch mọi tội lỗi mà mỗi người đã phạm, để có một tâm hồn trong sạch
hầu đến với Chúa một cách vững vàng trong Năm Đức Tin này. Ngài cũng đã
trao Phép Lành của Đức Thánh Cha cho Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao.
Thánh lễ kết thúc lúc lúc gần 2 giờ sáng, mọi người ra về trong lòng vẫn còn biết bao lưu luyến Mẹ.
Minh Phương