Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Cây cầu hy vọng

  Cây cầu hy vọng
 
Đây là một câu chuyện có thật về kỹ sư John Roebling – người xây dựng cây cầu Brooklyn, ở New York, Mỹ. Cây cầu được xây vào năm 1870 và hoàn thành sau 13 năm, năm 1883. Vào năm 1870, người kỹ sư tài giỏi này đã nảy ra một ý tưởng táo bạo, xây dựng cây cầu nối giữa New York và Long Island. Tuy vậy, những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này lại nhận định rằng: đây là một việc không thể và Roebling nên bỏ ngay những ý nghĩ này đi. Đây là việc chưa ai từng làm trước đó.

Nhưng Roebling vẫn không thể bỏ được những suy nghĩ này, nó như khắc sâu vào tâm trí ông. Lúc nào, ông cũng nghĩ đến nó. Ông cho rằng đây là một điều có thể thực hiện và ông đã nói ý tưởng này với một vài người. Sau nhiều cuộc thảo luận, ông đã thuyết phục được Washington – con trai của mình, là trên thực tế cây cầu có thể xây dựng được.

Lần đầu tiên làm việc cùng nhau, hai cha con đã phải đặt ra rất nhiều câu hỏi: Làm thế nào để hoàn thành được cây cầu? Làm thế nào để vượt qua trở ngại đang chờ trước mắt?… Nhưng với sự hứng khởi và lòng nhiệt huyết, họ đã thuê công nhân và xây dựng cây cầu mơ ước của mình.
  

Dự án khởi đầu suôn sẻ nhưng không lâu sau đó, một tai nạn khủng khiếp xảy ra và đã lấy đi mạng sống của vị kỹ sư đại tài. Còn Washington thì bị thương nặng, một phần của não bị ảnh hưởng khiến ông mất đi khả năng giao tiếp và đi lại. Nhiều người có những nhận định cực đoan và cho rằng dự án nên dừng lại vì chỉ có Roebling là người duy nhất biết cách để xây dựng cây cầu này mà thôi. “Một người đàn ông điên rồ và một dự án không tưởng”, “Thật ngu ngốc khi theo đuổi dự án này”… đó là những lời bàn tán của mọi người sau vụ tai nạn kinh hoàng kia.

Mặc dù có quá nhiều khó khăn nhưng Washington không hề nản chí, ông vẫn tiếp tục thực hiện ước mơ của cha mình. Ông cố truyền niềm tin, sự nhiệt huyết cho một số người bạn nhưng họ đã thực sự nản lòng và muốn từ bỏ. Khi Washington nằm trên giường bệnh, những tia nắng ấm lọt qua khe cửa sổ, rọi chiếu vào gương mặt đầy sự mệt mỏi, u buồn của Ông. Một làn gió nhẹ thổi tấm màn trắng mỏng manh, lúc này, ông có thể thấy bầu trời và những ngọn cây đang đung đưa trước gió. Đó như là một thông điệp của người cha đã mất, mong muốn anh đừng từ bỏ ước mơ còn đang dang dở. Nhưng tất cả những gì anh có thể làm bây giờ chỉ là cử động được những ngón tay.

Bỗng nhiên, ông lóe lên một ý tưởng thú vị. Ông sẽ dùng chính những ngón tay kia để ra hiệu cho vợ của mình. Anh chạm ngón tay của mình lên bàn tay của vợ với ý muốn cô hãy đi gọi những kỹ sư một lần nữa. Khi họ tới đầy đủ, anh cũng đã sử dụng cách này để nói với họ những việc tiếp theo cần phải làm. Việc này có vẻ rất ngu ngốc nhưng nó đã làm cho dự án được tiếp tục vận hành.

Và thế là trong suốt 13 năm, ông đã gián tiếp điều hành công việc cho đến khi cây cầu được hoàn thành. Ngày nay, công trình ngoạn mục – cầu Brooklyn là đỉnh cao vinh quang, ghi nhận sự cống hiến, lòng quyết tâm, kiên trì của một người đàn ông bất chấp mọi khó khăn để vượt lên chính số phận của mình. Cùng với đó là sự đóng góp của đội ngũ kỹ sư, những người đặt niềm tin vào người đàn ông từng bị một nửa thế giới cho là điên rồ, với ý tưởng táo bạo. Nhắc đến cây cầu này, chúng ta cũng không thể quên công lao, sự tận tụy, hy sinh của một người phụ nữ kiên nhẫn trong suốt 13 năm để giải nghĩa những ký hiệu của người chồng khuyết tật.
  

Có lẽ câu chuyện đằng sau cây cầu Brooklyn nổi tiếng kia là một ví dụ điển hình nhất về thái độ sống vượt qua số phận, khó khăn của con người để chạm tay được đến ước mơ, khát vọng của mình. Cầu Brooklyn cho thấy những ước mơ tưởng chừng xa vời nhưng vẫn có khả năng thực hiện được khi con người có sự quyết tâm và lòng kiên trì.

Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu khó khăn, thử thách đang chờ đợi phía trước. Vì thế, hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời.

Rượu chuối hột rừng

Rượu chuối hột rừng

Một trong những “sản phẩm” được ưa chuộng của chuối hột rừng lại chính là rượu chuối hột rừng đang được các nhà sản xuất quan tâm chế biến và quảng bá rộng rãi.

Rượu chuối hột: 1kg chuối hột rừng ngâm khoảng 2-2,5 lít rượu ngon 40-45 độ, rượu có vị ngọt thơm, màu vàng nhạt. Dùng chữa bệnh thận, sỏi thận, đái tháo đường, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, tráng dương, tăng cường sức khỏe phái mạnh, giải nhiệt, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, bổ thận, lợi tiểu, trị kém ăn, kém ngủ, bồi bổ cơ thể…

Tuy nhiên, để cho rượu chuối ngon và hấp dẫn, cần chế biến mới đạt yêu cầu.

Cách ngâm rượu chuối hột ngon:

Chuối phải thật chín, thái mỏng, phơi nắng (nhớ là phải giữ không cho ruồi nhặng bu vào và bụi bay vào), phơi càng khô càng tốt.

Rượu ngâm phải là rượu trắng, không pha tạp (thường gọi làrượu cốt,rượu nguyên chất, nồng độ phải > 40 độ).

Đồ ngâm rượu phải là thủy tinh, rửa sạch. Bỏ chuối vào, chuối chiếm 1/3 lọ, đổ rượu đầy 2/3 lọ, để lại 1/3 chân không cho chuối nở. Đậy kỹ nắp, 100 (3 tháng 10 ngày) ngày sau là uống được , để càng lâu càng tốt.

Rượu chuối hột được xếp vào loại rượu thuốc, không nên ngâm uống để nhậu xỉn.

Rượu chuối hột để hỗ trợ điều trị bệnh sạn thận, bổ thận: liều lượng mỗi bữa ăn 1/2 tách uống trà (10 - 20ml).

Các vị thuốc gia giảm phải theo từng người: Cao, hạ huyết áp, nhiệt, hàn, cần bổ khí, cần bổ huyết… không nên tùy tiện dùng sẽ phản tác dụng.

TÁC DỤNG CÂY MẬT NHÂN

TÁC DỤNG CÂY MẬT NHÂN
Cây Mật nhân (Bá bệnh –Eurycoma Longifolia Jack) là cây thuốc quý hiếm với khả năng trị bách bệnh, đã được các nhà khoa học Trường Đại học Dược Hà Nội tìm thấy tại Việt Nam từ năm 2006. Các bước nghiên cứu ban đầu cho thấy cây Bá bệnh của Việt Nam có tác dụng cao hơn so với xuất xứ từ các nước khác. Tongkat ali từ lâu đã được biết đến như là nhân sâm Malaysia. Tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Brunei, Thái Lan, Cămpuchia, Lào… Tongkat ali được dùng giúp nam giới tăng cường chức năng sinh lý và sức khoẻ tình dục, bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp giảm stress, mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa khối u và phòng chống lão hoá.
Tuy nhiên, tác dụng vượt trội của cây Mật nhân (Bá Bệnh) đã được chứng nhận và công bố rộng rãi với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên Thế giới là khả năng tăng cường sức khoẻ tình dục cho nam giới, kích thích cơ thể tăng tiết hormon giới tính nam (testosteron) một cách tự nhiên. Đó chính là chìa khóa duy trì sự hưng phấn và phong độ tình dục ở nam giới, ngăn chặn các dấu hiệu suy giảm khi bước vào độ tuổi trung niên, như giảm sự ham muốn, chất lượng sinh hoạt tình dục, xuất tinh sớm,… thường gọi chung là yếu sinh lý hay chứng bất lực .
Theo báo cáo tại hội nghị ISIR Châu Á – Thái Bình Dương, có khoảng 190 triệu nam giới tại khu vực này gặp trục trặc về khả năng tình dục, và chỉ khoảng 10 % đến gõ cửa bác sĩ để thừa nhận mình có vấn đề bất ổn “nơi ấy”. Nam giới thường ít khi để ý đến sức khoẻ tình dục, dù đó là yếu tố cho biết trạng thái sức khỏe cơ thể. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, tất nhiên khi ấy khả năng tình dục cũng cao hơn. Vì thế, giải pháp thông minh nhất giúp nam giới lấy lại phong độ một cách oanh liệt trong mắt nàng chính là một cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, và khả năng tác chiến tuyệt vời ở chốn phòng the.
Một số các quốc gia hồi giáo như Indonesia và Malaysia, đàn ông được lấy và chung sống cùng lúc 4 người vợ, có khá nhiều giai thoại đã kể rằng: để cho cô vợ nào cũng yên tâm là được chồng yêu nhất, đàn ông nơi ấy đã phải cần tới sự trợ giúp đắc lực của Tongkat ali, giúp cường dương tráng khí. Hay tại các cuộc thi đấu thể thao đẳng cấp quốc gia ở Đông Nam Á, nhiều vận động viên các đội tuyển đã dùng đến vị thuốc quý hiếm này như dạng doping thiên nhiên giúp tăng cường sức bền và thể lực, nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu. Tại Việt Nam, Bá bệnh cũng là vị thuốc chính trong bài thuốc “Ông uống bà khen” danh bất hư truyền của các Vua Voi huyền thoại vùng Tây nguyên bấy lâu nay.
Có thể nói, việc tìm thấy cây Mật nhân (Bá bệnh) tại Việt Nam là một tín hiệu khả quan cho nền Đông dược Việt Nam, với triển vọng to lớn về ứng dụng cây thuốc quý này góp phần bảo vệ sức khoẻ. Đặc biệt là tìm được giải pháp hiệu quả lâu dài giúp nam giới tăng cường sức khỏe sinh lý và duy trì bền vững hạnh phúc gia đình.
Theo lương y Nguyễn Công Đức:
- Người ta dùng thân cây, rễ cây mật nhân (có vị đắng, tính mát) sắc thuốc hoặc sao vàng để trị bệnh. Mật nhân được dùng chữa nhiều thứ bệnh như: khí hư huyết kém (biểu hiện: người mỏi mệt, lười hoạt động,thiếu máu), ăn uống không tiêu, no hơi, đầy bụng, trong ngực có cục tích (tức ngực, nghẹn, khó thở), gân xương yếu mỏi, chân tay tê nhức, nôn mửa, tả lỵ, tứ thời cảm mạo (cảm ho thể phong hàn hay phong nhiệt cả 4 mùa trong năm), say rượu và tẩy giun, làm thuốc bổ, chữa trị ăn uống không tiêu, phối hợp với rễ chữa đau lưng, nhức mỏi, đau bụng kinh của phụ nữ. Quả mật nhân thì dùng để chữa lỵ, tiêu chảy. Lá thì dùng nấu nước tắm trị ghẻ, lở ngứa.
- Ngoài ra theo lương y Nguyễn Công Đức: cây mật nhân hay còn có các tên gọi là “bá bệnh”, “bách bệnh” (Eurycoma Longifolia Jack) thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Loài cây này cao 2-8 mét, lá kép, không cuống, mọc đối, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc. Cuống lá màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm tán mọc ở ngọn. Hoa và bao hoa phủ đầy lông màu đỏ nâu. Quả hình trứng hơi dẹt, có rãnh giữa, khi chín màu vàng đỏ chứa 1 hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn. Mùa hoa quả tháng 3 đến tháng 11.
- Mật nhân mọc hoang ở vùng núi, trong các rừng thưa, dưới tán các cây gỗ, ở nước ta cây mọc chủ yếu tại miền Trung và Đông Nam Bộ.
Theo kinh nghiệm dân gian:
- Người ta dùng rễ cây mật nhân (có vị đắng, tính mát) băm nhỏ đem tẩm rượu, sao vàng để trị bệnh.Mật nhân được dùng chữa nhiều thứ bệnh như: khí hư huyết kém (biểu hiện: người mỏi mệt, lười hoạt động, thiếu máu), ăn uống không tiêu, no hơi, đầy bụng,trong ngực có cục tích (tức ngực, nghẹn, khó thở), gân xương yếu mỏi, chân tay tê nhức, nôn mửa, tả lỵ, tứ thời cảm mạo (cảm ho thể phong hàn hay phong nhiệt cả 4 mùa trong năm), say rượu và tẩy giun.
- Vỏ thân mật nhân dùng làm thuốc bổ, chữa trị ăn uống không tiêu, phối hợp với rễ chữa đau lưng, nhức mỏi, đau bụng kinh của phụ nữ. Quả mật nhân thì dùng để chữa lỵ,tiêu chảy. Lá thì dùng nấu nước tắm trị ghẻ, lở ngứa.
- Cách sử dụng mật nhân chữa bệnh như sau: Nếu rễ hoặc vỏ thân thì phơi khô tẩm rượu sao vàng sắc uống, hoặc tán bột làm viên uống ngày 8-16g chia 3 lần sau khi ăn. Nếu ngâm rượu thì liều lượng như sau: 20g rễ mật nhân, 10 trái chuối khô (chuối sứ)nướng vàng, ngâm với 1 lít rượu loại ngon, ngâm khoảng 7 ngày là lấy ra dùng được, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (độ 30 ml).
Lưu ý: Phụ nữ đang mang thai thì không được dùng.
Hiện tại Điểm Dừng Chân Đức Mẹ Tàpao có bán rễ cây mật nhân với giá khoảng 50 ngàn đồng/1kg tươi.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Ai sẽ thay thế Giáo hoàng Benedict XVI?

Ai sẽ thay thế Giáo hoàng Benedict XVI?

Cộng đồng 1,1 tỷ giáo dân Thiên chúa La Mã sững sờ sau quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI, và đang hồi hộp chờ đợi hội nghị kín của Hồng y đoàn để xem ai là người kế nhiệm ông.

Ngày 11/2, anh trai của Giáo hoàng Benedict XVI, ông Georg Ratzinger (89 tuổi) cho biết, em trai ông được bác sĩ khuyên không nên công du nước ngoài và cân nhắc việc từ chức từ nhiều tháng trước.
Theo Tòa thánh Vatican, quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI đã khiến chiếc ghế Giáo hoàng bỏ trống từ 28/2 và các thủ tục bầu tân Giáo hoàng sẽ được bắt đầu tiến hành kể từ ngày 1/3. Tuy cuộc họp “Mật nghị Hồng y” bầu Giáo hoàng thứ 266 vẫn chưa được ấn định, nhưng theo Đức ông Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh Vatican, tân Giáo hoàng sẽ có trước lễ Phục sinh (31/3).
Trong tổng số 118 Hồng y tham gia cuộc họp bầu tân Giáo hoàng sắp tới, có khoảng 50% là người châu Âu và có tới 67 Hồng y là do Giáo hoàng Benedict XVI bổ nhiệm. Sau khi từ chức ngày 28/2, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không giữ bất kỳ vai trò nào ở Vatican và cũng không tham gia vào việc bầu chọn người kế nhiệm. Giới truyền thông cho rằng, nhiều khả năng một Hồng y ngoài châu Âu sẽ được bầu làm tân Giáo hoàng và hiện có một số ứng cử viên thay thế Giáo hoàng Benedict XVI.
Theo thống kê, số lượng giáo dân ở Mỹ Latinh hiện chiếm 42% tín đồ Thiên chúa thế giới, gần gấp đôi châu Âu (25%). Giới chuyên môn cho rằng, Mỹ Latinh là nơi có người theo đạo Thiên chúa giáo La Mã lớn nhất thế giới và họ đang hy vọng vị giáo hoàng mới sẽ đến từ khu vực này. Trong số những ứng cử viên nổi bật có Hồng y người Brazil Joao Braz de Aviz, 65 tuổi, là người đứng đầu văn phòng của Vatican và Odilo Pedro Scherer, Tổng giám mục 63 tuổi của Sao Paulo.
Hai ứng cử viên khác là Hồng y người Argentina Leonardo Sandri, người đứng đầu văn phòng phương Đông của Vatican và Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục của Buenos Aires. Ngoài ra, theo hãng CBS và Reuters, Tổng giám mục New York (Mỹ), Hồng y Timothy Dolan, 62 tuổi, Tổng giám mục Milan (Italia), 71 tuổi, Hồng y Angelo Scola, Hồng y Francis Arinze, 80 tuổi, người Nigeria, Hồng y Peter Turkson, 64 tuổi, người Ghana, Hồng y Marc Ouellet, 68 tuổi, người Canada, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican Tarcisio Bertone, Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia cũng là những ứng cử viên có thể kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI. Ứng viên sáng giá nhất của châu Âu hiện là Hồng y Angelo Scola của Milan.
Giáo hoàng Benedict XVI.
Hồng y người Mỹ Theodore McCarrick cho rằng, Vatican sẽ lựa chọn những ứng cử viên có được sự thông thái như Giáo hoàng Benedict XVI và uy tín như Giáo hoàng John Paul II. Hồng y Kurt Koch (người Thụy sĩ), Chủ tịch Hội đồng hiệp nhất tín đồ Thiên chúa của Vatican từng trả lời nhật báo Tagesanzeiger rằng: sẽ là một sự tốt lành nếu có những ứng cử viên từ châu Phi hoặc Nam Mỹ được nhắc tới trong Mật nghị Hồng y sắp tới.
Ngày 12/2, hãng AFP cho biết, đạo diễn phim Habemus Papam, ông Nanni Moretti (năm 2011) vô cùng bất ngờ khi phim của mình biết trước việc Giáo hoàng Benedict XVI sẽ từ chức vào ngày 28/2/2013 cho dù trong phim nói về cuộc đời của Hồng y Melville, người đắc cử Giáo hoàng ở Vatican. Ông Nanni Moretti tin rằng, Giáo hoàng Benedict XVI từng xem phim Habemus Papam. Trước đó, trong một cuốn sách xuất bản năm 2010, Giáo hoàng Benedict XVI cho biết, sẽ không do dự trở thành Giáo hoàng đầu tiên tự nguyện thoái vị sau gần 700 năm, nếu cảm thấy không còn đủ sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý để lãnh đạo Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Benedict XVI đã dùng máy trợ tim trong nhiều năm. Thông tin này được đưa ra sau khi dư luận cho rằng, Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vì một căn bệnh nào đó. Theo tờ Il Sole 24 của Italia, Giáo hoàng Benedict XVI đã trải qua một cuộc phẫu thuật thay thế máy trợ tim cách đây 3 tháng.
Theo tờ Telegraph, sức khỏe của Giáo hoàng Benedict XVI bị giảm sút sau khi bị đột quỵ năm 1991 và kể từ tháng 8/2006, ông thường xuyên phải đi khám bệnh tim. Có tin nói rằng, Giáo hoàng Benedict XVI quyết định từ chức vì không muốn phải đau đớn chống chọi với bệnh tật lúc cuối đời, như người tiền nhiệm là Giáo hoàng John Paul II. Đức giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, Hiệu trưởng Học viện Khoa học Giáo hoàng của Vatican cho biết, quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI gây nên một nỗi buồn lớn ở Tòa thánh “vì ngài là một Giáo hoàng vĩ đại”. Lãnh đạo nhiều tôn giáo trên thế giới đã bày tỏ sự ngạc nhiên và sửng sốt trước quyết định từ chức đầy bất ngờ của Giáo hoàng Benedict XVI.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự ủng hộ và ca ngợi Giáo hoàng Benedict XVI. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Tổng thống Barack Obama đã đánh giá cao những hợp tác giữa ông với Giáo hoàng Benedict XVI trong 4 năm qua, đồng thời cho rằng, Giáo hội Thiên chúa giáo đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ và thế giới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner coi quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI chứng tỏ sự khiêm cung khác thường và tình yêu đối với Giáo hội. Tổng thống Pháp Francois Holland coi quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI là đáng kính trọng và mang tính nhân văn.
Thủ tướng Anh David Cameron chúc sức khỏe đối với Giáo hoàng Benedict XVI, đồng thời ca ngợi những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc củng cố mối quan hệ giữa Anh và Giáo hội Thiên chúa giáo. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI là một tin tức gây xúc động và là một lựa chọn khiến bà phải bày tỏ sự kính trọng ở mức cao nhất của mình. Thủ tướng Australia Julia Gullard đề cập đến những hoàn cảnh khó khăn buộc Giáo hoàng Benedict XVI phải quyết định thoái vị và với quyết định từ nhiệm này, nhân cách khiêm tốn của ngài càng được khuếch đại hơn.
Trong giới lãnh đạo Italia, Thủ tướng tạm quyền Mario Monti là chính trị gia đầu tiên bày tỏ sự ngạc nhiên, sửng sốt trước tuyên bố từ chức bất ngờ của Giáo hoàng Benedict XVI. Tổng thống Giorgio Napolitano cho biết, trong cuộc gặp mới đây nhất với Giáo hoàng Benedict XVI, ông nhận thấy rõ ràng rằng: Giáo hoàng Benedict XVI đã ý thức được gánh nặng công việc đầy khó khăn mà mình đang đảm nhiệm trong khi tuổi cao, sức yếu.
Hồng y Joseph Ratzinger (sinh ngày 16/4/1927 tại Marktl Am Inn, Bavaria, Đức trong một gia đình làm nghề nông lâu đời, có cha làm cảnh sát địa phương) đã trở thành Giáo hoàng Benedict XVI ngày 23/4/2005, là Giáo hoàng thứ 265 trong lịch sử, là Giáo hoàng nói được 10 thứ tiếng, thích nhạc Beethoven, chơi piano giỏi và là Giáo hoàng đầu tiên đến từ nước Đức kể từ thế kỷ 11 và là vị Giáo hoàng thứ 8 của Đức kể từ trước đến nay.
Đăng quang ở tuổi 78, Giáo hoàng Benedict XVI là một trong những Giáo hoàng cao niên nhất trong lịch sử khi được bầu vào năm 2005. Việc Giáo hoàng thoái vị là điều vô cùng hiếm trong lịch sử bởi cách đây gần 700 năm (1415), Giáo hoàng Gregory XII đã thoái vị và hơn 800 năm trước (1294), Giáo hoàng Celestine V từng thoái vị sau 5 tháng giữ chức và qua đời gần 2 năm sau đó.

Lễ Tro tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao

Lễ Tro tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao

Thứ năm - 14/02/2013 12:09



 Cùng Mẹ Tàpao bước vào Mùa Chay Năm Đức Tin 2013

 
Ngày hành hương Đức Mẹ Tàpao 13/2/2013 đúng vào thứ Tư Lễ Tro khởi sự Mùa Chay năm 2013. Không khí xuân mùng  4 Tết Quý Tỵ và sắc tím của áo lễ Mùa Chay làm nên một bầu khí linh thiêng. Đông đảo khách hành hương đã về Tàpao tham dự Lễ Tro do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ và quý cha đồng tế.
 
 
Chương trình hành hương bắt đầu với giờ khấn Đức Mẹ Tàpao. Cha Fx. Nguyễn Quang Minh, quản xứ Tánh Linh suy niệm sự thương khó của Đức Mẹ trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để chuẩn bị tâm tình cho cộng đoàn bước vào Mùa Chay thánh. Cộng đoàn hiệp dâng lời khấn nguyện của khách hành hương trong tháng mà nhiều nhất vẫn là lời tạ ơn năm cũ và xin bình an cho năm mới.
 
Đức Giám Mục GP Phan Thiết chào thăm cộng đoàn hành hương nhân dịp đầu năm. Tiếp đến, ngài giới thiệu Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên GM Phú Cường với cộng đoàn. Thánh lễ do Đức Cha Phêrô chủ sự.
 
Đức Cha Phêrô bắt đầu Phụng Vụ ngày thứ Tư lễ tro bằng việc cảm ơn các khách hành hương không quản ngại xa xôi hiện diện tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao dịp hành hương này. Thông điệp Ngài gởi tới cộng đoàn trong Mùa Chay là phải nhìn lại bản thân mình trong tâm tình tạ ơn - sám hối - giao hòa với Chúa thì mới có được sự bình an đích thật. Đức Cha nói về ý nghĩa Mùa Chay: “Do chúng ta đã phạm tội nên Thiên Chúa đã ban cho ta thời gian thuận tiện để ta trở về với Chúa qua việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và bố thí”.
 
Đức Cha Phêrô giới thiệu tấm gương  sống Mùa Chay của Mẹ Maria để con cái noi theo với những hình ảnh quen thuộc: Cầu Nguyện: Mẹ  Maria đã sống cầu nguyện gắn bó với Chúa để tìm ý Chúa trong mọi biến cố vui buồn. Chúng ta cũng hãy bắt chước Mẹ, bất cứ ở đâu, làm gì hãy cầu nguyện để xin Chúa cho biết “Chúa muốn con làm gì?”; Ăn chay đúng nghĩa là từ bỏ ý riêng, hãm mình tránh các tội lỗi, không làm những gì lỗi với luật Chúa và làm hại đến người khác. Mẹ Maria ngay từ thơ bé đã dâng mình vào đền thờ để sống theo ý Chúa. Đỉnh cao của sự vâng phục Chúa Cha là Mẹ đã hiến dâng Con Một của mình để cứu chuộc loài người. Bố thí: Tất cả những tâm tình cầu nguyện và ăn chay được diễn tả ra bên ngoài của chúng ta qua việc chia sẻ cho những người nghèo, người bất hạnh đang cần được cứu giúp. Mẹ Maria đã cho đi tất cả, kể cả người con yêu quý nhất của mình là Chúa Giêsu để mưu ích cho loài người. Nay ở trên trời, Mẹ vẫn luôn rộng tay ban muôn ơn lành cho những kẻ kêu xin Mẹ và sẵn sang lắng nghe tiếng chúng ta nài van. Chúng ta phải ý thức tất cả những gì chúng ta có đều là do Chúa ban tặng. Vì thế, chúng ta phải quản lý cho tốt và phải chia sẻ cho người khác thay vì chỉ ích lỷ lo cho bản than và gia đình của mình.
 
Đức Cha nhấn mạnh: “Khi thực thi đúng ý nghĩa của 3 việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và bố thí (chia sẻ) thì chúng ta đang sống đúng lời Chúa dạy và bước theo con đường Mẹ Maria đã nêu gương. Đặc biệt trong Năm Đức Tin này, chúng ta càng phải thực thi Đức Mến trong đời sống vì đó chính là tóm kết giới luật “Mến Chúa – Yêu người” của người Kitô hữu.
 
Sau bài giảng là nghi thức làm phép và xức tro. Đức Cha Phêrô đã bỏ tro trên đầu Đức Cha Giuse. Đến lượt Đức Cha Giuse xức tro trên đầu Đức Cha Phêrô trước khi ngài xức tro cho các linh mục, tu sĩ và anh chị em tín hữu.
 
Kết thúc thánh lễ, Cha Hạt trưởng Đức Tánh thay mặt cộng đoàn hành hương mừng tuổi Đức Cha Phêrô, Đức Cha Giuse. Cha cũng thay mặt Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao chúc mừng Năm Mới quý khách hành hương và cầu chúc tất cả mọi người một Mùa Chay Năm Đức Tin thánh thiện.
 
Dịp hành hương tháng 03/2013 diễn ra trong lòng Mùa Chay gồm có: tối 12/03/2013 đi đàng thánh giá do Đức Giám Mục Phan Thiết chủ sự. Sáng ngày 13/03 có giờ khấn Đức Mẹ Tàpao và Thánh Lễ do Đức Giám Mục chủ sự.

Nguồn: http://gpphanthiet.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Trung-tam-thanh-mau-tapo/Le-Tro-tai-Trung-Tam-Thanh-Mau-Tapao-3820

Thánh Lễ Mùng 3 Tết - Cầu Nguyện Cho Các Bệnh Nhân Tại Tàpao

Thánh Lễ Mùng 3 Tết - Cầu Nguyện Cho Các Bệnh Nhân Tại Tàpao
 
Tối mùng 3 Tết Quý Tỵ, ngày 12/2/2013, lúc 19g00, tại quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, khoảng 6 ngàn khách hành hương từ muôn phương nô nức tìm về bên Mẹ và sốt sắng tham dự Thánh Lễ xin thánh hóa công ăn việc làm, cách đặc biệt cầu nguyện cho những người đau yếu, tàn tật nhân ngày Quốc tế Bệnh Nhân (11.2).
 
Trong suốt những ngày cuối năm, mùng 1 – mùng 2 Tết, Tàpao rộn ràng bước chân của khách hành hương về kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Chiều mùng 2 Tết, trong tâm tình của ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, rất nhiều người già cả, đau yếu, bệnh tật đã được người thân dắt dìu đến hành hương Mẹ Tàpao để xin ơn chữa lành phần hồn phần xác. Trên những chiếc xe lăn, các bệnh nhân tươi nở nụ cười với nhau, nhận lời chúc lành của mọi người và sốt sắng hướng về Linh đài Mẹ cùng hiệp dâng lời cầu nguyện.
 
 
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết chủ tế thánh lễ. Cha GB Hoàng Văn Khanh, Tổng đại diện GP Phan Thiết giảng lễ. Từ tin mừng Lc 18, 18-23, Cha mời cộng đoàn suy niệm về “Hạnh phúc đích thật: Sự sống đời đời” qua các nét sau: Sự sống đời đời chính là hạnh phúc thật mà ta phải khát khao và tìm kiếm, thế gian không thể ban tặng…nhưng chỉ do Chúa ban. Đó là sự hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, là sự sống vỉnh cửu trong trời mới đất mới; Điều kiện để được sống đời đời: Trong diễn từ trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsuđã khẳng quyết : “Sự sống đời đời là cho những ai tin…”. Vậy điều kiện để đạt sự sống đời đời là từ bỏ mọi sự, tin vào Đức Giêsu Kitô, như chính Người đã trả lời cho ông thủ lãnh : “Bán tất cả mọi sự, bố thí cho người nghèo, và đến đi theo Ta”; Sống niềm tin: Tin vào Đức Kitô là ra khỏi chính mình để được hiệp thông với Người và nhờ Người mà hiệp thông sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, tin vào Đức Giêsu Kitô là quy chiếu tất cả về với Người trong tâm tình và lối sống. Cha Tổng cầu chúc cho tất cả mọi người được hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc thật khi tin Chúa Giêsu và bước đi theo Người trong sự ký thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa là Cha. 
 
 
Cùng với những chia sẻ này, Cha Tổng đại diện nhắn nhủ cộng đoàn hãyưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ những bệnh nhân và nhận ra qua họ dung mạo của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã muốn gánh lấy mọi khổ đau và chịu chết để cứu độ chúng ta. Công đồng Vaticanô II nhận định các bệnh nhân không phải bị bỏ rơi cũng không vô dụng, nhưng họ được mời gọi để phản chiếu dung nhan cực thánh của Đức Giêsu Kitô. Vì thế giúp đỡ cho các bệnh nhân phần hồn, phần xác chính là đang làm cho Đức Giêsu Kitô”.
 
 
Sau lời nguyện hiệp lễ, tất cả các linh mục đã xuống xức dầu bệnh nhân trên trán những người muốn lãnh nhận. Không chỉ người bệnh, mà rất nhiều người, kể cả các thanh niên đã sốt sắng xin được xức dầu để được nhận lãnh sức mạnh của Chúa. 
 
 
Kết thúc thánh lễ, Cha Hạt trưởng Đức Tánh thay mặt Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao chúc tuổi Đức Cha Giuse, Cha Tổng đại diện, Quý Cha, quý tu sĩ và Quý khách hành hương. Đáp lại, Đức Cha Giuse trình bày một bài hát về Đức Mẹ Tàpao do chính ngài sáng tác như món quà mừng tuổi cộng đoàn.

Nguồn: http://gpphanthiet.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Trung-tam-thanh-mau-tapo/Thanh-Le-Mung-3-Tet-Cau-Nguyen-Cho-Cac-Benh-Nhan-Tai-Tapao-3818

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Mỗi ngày đều là dịp đặc biệt



Mỗi ngày đều là dịp đặc biệt


Anh rể tôi mở ngăn kéo hộc tủ của chị tôi và lấy ra một gói giấy lụa. Anh nói: "Đây là một cái jupe lót". Anh mở gói giấy ra và trao chiếc váy cho tôi. Nó được làm bằng lụa trông rất thanh nhã với những hoa văn được thêu bằng tay tỉ mỉ. Mẩu giấy ghi giá tiền khá đắt vẫn còn đính trên đó. "Jan đã mua cái này cách đây khoảng 8 hoặc 9 năm, khi anh chị lần đầu tiên đến Nữu Ước. Cô ấy không bao giờ mặc nó. Cô ấy để dành cho một dịp đặc biệt nào đó. Ừ nhỉ, có lẽ là để dành cho dịp này…". Anh lấy cái váy từ tay tôi và bỏ chung với những áo quần khác mà chúng tôi sắp mang đến chỗ dịch vụ tang lễ. Bàn tay anh đặt chiếc váy mềm mại đó một lúc, thế rồi anh đóng sầm ngăn kéo lại và quay sang tôi: "Đừng bao giờ em để dành bất cứ thứ gì cho một dịp đặc biệt nào hết. Từng ngày em đang sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi".

Tôi nhớ mãi những lời này trong suốt lễ tang, và trong những ngày tiếp theo đó khi giúp anh và lũ cháu thu xếp những công việc trong nhà sau cái chết đột ngột của chị tôi. Tôi nghĩ về những lời này trên chuyến bay từ Midwestern, nơi gia đình chị tôi sống, về đến California. Tôi nghĩ về tất cả những điều mà chị tôi chưa từng được nghe, được thấy hoặc được làm. Tôi nghĩ về những điều chị tôi đã từng làm mà không nhận ra sự đặc biệt của nó. Tôi nghĩ về những lời nói của anh rể và những lời nói ấy đã thay đổi cuộc đời của tôi.

Tôi bớt thời gian trong việc lau chùi bụi bặm và dành nhiều thì giờ trong việc đọc sách. Tôi ngồi nơi bàn và chiêm ngưỡng cảnh quan trước mặt và không còn phiền muộn vì cỏ dại mọc cao trong vườn. Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, cho bạn bè và bớt thời gian họp hành. Bất cứ lúc nào, cuộc sống luôn là để cho ta tận hưởng chứ không phải để chịu đựng. Giờ đây tôi đang nhận thức được điều đó và đón nhận từng giây phút của cuộc sống.

Tôi đã không "để dành" thứ gì; chúng tôi sử dụng những đồ sứ và pha lê cho những dịp bình thường nhất với những bông hoa trà mới nở. Tôi mặc những chiếc áo đẹp để đi chợ nếu tôi thích. Trông tôi có vẻ rất giàu có khi có thể trả 28 đô la rưỡi cho một cái túi đồ tạp phẩm nhỏ xíu mà không hề nhăn mặt.

Tôi không để dành nước hoa đắt tiền cho những lễ hội đặc biệt nữa. Những nhân viên các cửa hàng, những người thu ngân trong ngân hàng cũng như những bạn bè ở lễ hội đều được tận hưởng cùng một mùi nước hoa đắt tiền ấy.

Cái từ ngữ "ngày đẹp nên" hay là "một ngày nào đó" đã không còn nằm trong vốn từ của tôi nữa. Nếu có điều gì xứng đáng được nghe, nhìn hoặc làm thì tôi sẽ muốn nghe, chiêm ngưỡng và thực hiện ngay giờ đây. Nếu có điều gì đó không kịp làm, tôi bực mình vì tôi biết thời gian của mình có giới hạn. Bực mình bởi vì tôi đã hoãn lại cuộc thăm viếng những người bạn tốt vào một ngày nào đó; bực mình vì tôi đã không viết những lá thư mà tôi lại dự định viết vào một ngày nào đó; bực mình vì đã không nói với chồng và con gái của tôi là tôi yêu họ đến nhường nào. Tôi cố gắng hết mức để không phải chần chừ, hoãn lại và hoặc để dành lại điều gì nếu nó mang lại nụ cười và sự rạng rỡ cho cuộc sống của chúng tôi. Và, mỗi bình minh, khi thức giấc, tôi đều nói với chính mình, đây là dịp đặc biệt. Từng ngày, từng phút, từng hơi thở, thật sự là… một món quà của cuộc sống.

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Thông báo Hành Hương Đức Mẹ Tàpao dịp Tết Quý Tỵ

Thông báo Hành Hương Đức Mẹ Tàpao dịp Tết Quý Tỵ

 
TRUNG TÂM THÁNH  MẪU TÀPAO
        GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
                            -/)-                                THÔNG  BÁO
 
            DỊP HÀNH  HƯƠNG  THÁNG  2 NĂM 2013 -TẾT QUÝ TỴ
      
- Cầu nguyện cho các bệnh nhân (11/2)
                        -Mồng Ba Tết  (12/2) : Thánh hóa  công  việc làm ăn.
                        -Mồng Bốn Tết (13/3): Thứ  Tư  Lễ  Tro.
 
                            Ban  Điều  Hành  Trung  Tâm  Thánh  Mẫu TàPao
            Trân  trọng thông báo chương trình  hành  hương  như sau:
 
        I-Tối thứ ba ngày 12/02/2012 – MỒNG BA TẾT.
    
        18 giờ 30 :  Ổn  định trật tự. 
       19 giờ 00 : - Rước  kiệu cung  nghinh  Đức  Mẹ Tàpao.
            -Thánh  Lễ   đồng tế: Thánh hóa công việc làm ăn. Cầu cho bệnh nhân và những người cao tuổi,do Cha Tổng Đại Diện GB Hòang Văn  Khanh, Chủ  tế.
             -Trong  Thánh Lễ, ban  Bí  tích  Xức  dầu  bệnh nhân.
   
 II- Sáng  thứ  tư, ngày 13/02/2012:  MỒNG BỐN TẾT, Lễ  Tro.
         6 giờ 30 : Giờ  khấn  Đức  Mẹ.
         7 giờ 00 : Thánh  Lễ  đồng  tế.
Cử  hành nghi thức  sám hối, xức  tro cộng đòan, do Đức Giám Mục Giáo Phận  Chủ  tế.
          
       Kính  mời  Quí  Cha , Quí  Tu sĩ  và  Quí  Ông  Bà  Anh  Chị  em  tham  dự. Cũng  xin  Quí Cha đồng tế Thánh Lễ  tối ngày 12/02 mang  theo  dầu thánh OI, và  các  gia  đình có người đau yếu giúp họ đi tham dự Thánh Lễ để lãnh nhận Bí Tích  Xức  dầu  bệnh nhân.
 
Thánh lễ sáng ngày 13/02 xin Quí  Cha  mang Lễ phục  tím.
        
   Chân thành cám ơn.                                                               
                                                                         
                                                                         BAN  ĐIỀU  HÀNH
                                     TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO   

Nguồn: http://gpphanthiet.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Trung-tam-thanh-mau-tapo/Thong-bao-Hanh-Huong-Duc-Me-Tapao-Tet-Quy-Ty-3773