Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Sứ điệp ngày 13.5 (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)

SỨ ĐIỆP NGÀY 13.5

Bài giảng Thánh lễ tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao 
ngày 13/5/2013
 ĐGM Giuse Vũ Duy Thống



 
Đối với người ngoài công giáo, ngày 13.5 hôm nay chỉ như là dư âm của “ngày người mẹ” được tổ chức hôm qua với những tình cảm muôn thuở của bông hồng đỏ cho những người con còn mẹ hoặc bông hồng trắng cho những ai mà mẹ đã khuất núi; nhưng đối với người công giáo, ngày 13.5 lại mang một ý nghĩa thiêng liêng cao vượt. Đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tại Fatima với ba trẻ chăn chiên là Lucia, Giaxinta và Phanxicô; cũng là ngày ghi dấu việc Đức Mẹ có sáng kiến đến với con người, để hình thành từ đó một tâm tình gắn bó cậy tin yêu mến trong khắp Giáo Hội, làm nên sức sống của tháng Năm, tháng hoa dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. Tất nhiên bất cứ cuộc hiện ra nào của Đức Mẹ trong lịch sử Giáo Hội cũng đều xuất phát từ sáng kiến của chính Mẹ cho con cái loài người. Ngày 13.5.1917, trong dịp sơ ngộ tại Fatima, Đức Mẹ đã sáng kiến đưa ra những đề nghị nào?
 
1. Hãy lần hạt Mân Côi
Từ thuở được khai sinh vào thế kỷ 7 và nhất là từ thời thánh Đaminh, thế kỷ 13, Kinh Mân Côi không ngừng được cổ võ yêu mến thực hành; đặc biệt dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, vị “Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi”, việc lần hạt đã được xem như phương thức cầu nguyện tuyệt hảo cả về hình thức nhẹ nhàng lẫn nội dung phong phú. Nhưng ngoài những cao điểm nhiều ý nghĩa ấy, tùy theo thời cuộc, người công giáo cũng phải chứng kiến mhững giai đoạn khủng hoảng, qua đó niềm tin bị xói mòn và Kinh Mân Côi cũng dần dà mất đi vị thế quan trọng. Thậm chí có thời người ta còn nghiêng về sự rẻ rúng, coi Kinh Mân Côi như là cách cầu nguyện dành cho giới bình dân ít học con nhà nghèo lê lết quanh Đức Mẹ, chứ người có học một chút là lo đọc Thánh Kinh suy niệm cao siêu gắn bó với Chúa kìa!
 
Nhưng khi kêu gọi “Hãy lần hạt Mân Côi” ngày 13.5.1917 tại Fatima, thông qua ba trẻ, trước hết Đức Mẹ bày tỏ cho người ta hiểu Kinh Mân Côi luôn có một vị trí không thể đảo ngược, phổ cập đến mọi người mọi nhà, mọi lúc mọi nơi. Nếu khi đi chăn chiên ba trẻ đã lần hạt dưới gốc cây sồi được, thì bất cứ ở nơi đâu và khi nào, người ta cũng có thể cầu nguyện bằng chuỗi kinh truyền thống này một cách sốt sắng được. Hơn nữa, Đức Mẹ còn xa gần cho biết Kinh Mân Côi là phương thế cầu nguyện quân bình phù hợp điều kiện nhân sinh, vì “khẩu tụng tâm suy”, vừa đọc lên những tâm tình của Mẹ gắn bó với chương trình của Thiên Chúa, vừa suy về những mầu nhiệm cứu độ Chúa Giêsu-Con Mẹ đã thực hiện từ nhập thể âm thầm cho đến tử nạn đau đớn và phục sinh vinh quang. Ngoài ra, Đức Mẹ cũng hé lộ Kinh Mân Côi là cách cầu nguyện đẹp lòng Mẹ, vì thế Mẹ mới quan tâm kêu gọi và cổ võ cho sáng kiến cầu nguyện này.
 
2. Hãy hy sinh cầu nguyện cho người tội lỗi trở về
Sứ điệp Fatima xuyên suốt từ lần hiện ra đầu tiên 13.5 cho đến lần cuối cùng 13.10 luôn luôn được ghi dấu bằng tâm tình sám hối ăn năn và quyết tâm cải chừa tội lỗi, nhưng cách riêng trong lần đầu tiên gặp gỡ, Đức Mẹ đã không ngần ngại nói đến chữ “hy sinh chịu đựng đau khổ”, không phải vì không nghĩ đến khả năng làm tăng thêm sự lo lắng hoặc gây chấn thương tinh thần nơi ba em thiếu nhi, nhưng chỉ muốn cho thấy tính cơ bản và tính cấp bách của việc sám hối. Nếu bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong đời công khai là lời kêu gọi “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”, thì điều cơ bản trong sứ điệp Fatima lần hiện ra đầu tiên cũng chính là tâm tình ăn năn chừa cải dành cho mọi người chẳng trừ một ai. Vả chăng khi tiếp cận với mầu nhiệm của Thiên Chúa, ai cũng phải cảm nhận thân phận tội lỗi của mình để xin ơn thanh tẩy thứ tha, như Môsê đã phải cởi dép ra khi tới gần bụi gai cháy sáng là đất thánh (x. Xh 3,5).
 
Nhưng sáng kiến của Đức Mẹ không chỉ dừng lại trong việc cơ bản là kêu gọi sám hối, mà còn cho thấy tính cấp bách của sứ điệp này, và vì thế người ta vừa sám hối về tội mình, vừa sẵn sàng chấp nhận hy sinh chịu đựng đau khổ như phương thế đền bù, đồng thời như lễ dâng cầu cho người tội lỗi ăn năn trở lại. Chắc là cộng đoàn hành hương còn nhớ chuyện thánh nữ Mônica, đầu thế kỷ 5, bổn mạng các bà mẹ công giáo? Khi thấy con trai mình là Augustinô càng học cao càng xa Chúa, thậm chí rơi vào đường sa đọa lầm lạc, thánh nữ đã hết lời khuyên can nhưng không có kết quả, cuối cùng ngài chỉ biết cầu xin trong hy sinh chịu đựng đau khổ kể cả nước mắt cho con mình biết sám hối, và cuối cùng Mônica đã được toại nguyện. Augustinô đã trở lại, làm giám mục thành Hippone và nay là thánh tiến sĩ của Hội thánh Công Giáo.
 
3. Hãy đến gặp Mẹ ngày 13 tháng tới
Nếu hai đề nghị trên của Đức Mẹ thiên về đời sống thiêng liêng là lần hạt và hy sinh thì đề nghị thứ ba xem ra lại cụ thể gắn liền với sinh hoạt bên ngoài: phải quyết tâm rời xa nơi mình cư trú; phải vất vả di chuyển trên đường và phải tới nơi đã được chỉ định. Trong những tháng kế tiếp lần hiện ra đầu tiên, ba trẻ đã trở lại đồi Cova da Iria theo lời dặn dò của Đức Mẹ, bất chấp những khó khăn ngoại cảnh như thời tiết bất thuận lợi và nhất là khó khăn tinh thần như sự ngờ vực và cấm đoán của cả chính quyền lẫn giáo quyền. Vượt qua tất cả, các em cứ vui mừng và hy vọng tiến đến điểm hẹn, vừa đi vừ lần hạt, lòng khát mong gặp lại Đức Mẹ. Và chính Đức Mẹ cũng luôn tôn trọng lịch làm việc với các em như đã hẹn trước: cứ ngày 13 mỗi tháng, trừ tháng 8 các em bị nhốt, lại hiện đến khích lệ trò truyện, cầu nguyện dạy dỗ, nâng đỡ ủi an và mạc khải cho các em những điều cần kíp do Đức Mẹ mong muốn hoặc do hoàn cảnh đòi buộc.
 
Biến cố Fatima đã qua đi trọn vẹn trong năm 1917, cách đây đã 96 năm, nhưng tinh thần Fatima theo như Đức Mẹ kêu gọi đã bùng lên mãnh liệt, trong đó có việc hành hương. Đây là một trong nhiều hình thức đạo đức phổ cập trong lịch sử Giáo Hội, với ba nhịp tâm tình tương ứng: lên đường nói lên tâm tình sám hối; di chuyển nói lên nỗ lực hy sinh; và đến nơi gặp gỡ Đức Mẹ nói lên tâm tình cầu nguyện. Hành hương đến với Đức Mẹ Tapao như chúng ta đang thực hiện mỗi ngày 13 hàng tháng, tuy không dám so sánh với hành hương đến Fatima, nhưng là một nỗ lực tập thể sống lời gọi của của Đức Mẹ trong lần hiện ra đầu tiên, miễn là thể hiện được tâm tình sám hối hy sinh và cầu nguyện. Đừng ngại cầu nguyện với Đức Mẹ vì Đức Mẹ rất quảng đại nhân từ cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa để nhận lấy ơn cứu độ.
 
Tóm lại, ba đề nghị của Đức Mẹ trong lần hiện ra ngày 13.5.1917 là lần hạt, hy sinh và hành hương. Mỗi đề nghị có cách thể hiện riêng và đem đến những hiệu quả riêng, nhưng thực hiện cả ba đề nghị đó như chúng ta đang làm tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao mỗi tháng là một nét đẹp khó có gì so sánh được, với sự góp mặt của mọi thành phần con cái Mẹ, từ nhiều nơi quy tụ lại. Từ trên cao nhìn thấy cảnh tượng này, chắc Đức Mẹ vui lắm. Trong tháng Năm, xin cho mỗi người chúng ta được trở nên những bông hoa, mầu gì cũng được tùy theo hoàn cảnh sống và tâm tình hiện tại, miễn là tươi thắm mà tiến dâng lên Mẹ, và xin Mẹ chúc lành cho đời sống mỗi người trong Năm Đức Tin.
 
Tháng Năm con đến Tàpao, Nghe lời Mẹ dặn xiết bao vui mừng:
“Hy sinh, lần chuỗi, hành hương”, Từ nay con nhớ, Mẹ thương chúc lành.
Tác giả bài viết: ĐGM Giuse Vũ Duy Thống 
Nguồn: http://gpphanthiet.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Trung-tam-thanh-mau-tapo/Su-diep-ngay-135-DGM-Giuse-Vu-Duy-Thong-4173

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét