Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

NHƯ LÀ CỬA NGÕ ĐỨC TIN (Bài giảng tại Tàpao ngày 13.11.2012)


NHƯ LÀ CỬA NGÕ ĐỨC TIN
(Bài giảng tại Tàpao ngày 13.11.2012)
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
 
Một trong những điểm được các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới quan tâm trao đổi, đó là vai trò của các Trung Tâm Thánh Mẫu thuộc mọi tầm vóc trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Đã có những minh chứng lịch sử; đã có những kinh nghiệm địa phương; và cũng có những ý kiến kêu nài, để cuối cùng được thể hiện trong đề nghị số 39 về tầm quan trọng của các Trung Tâm Thánh Mẫu như là cửa ngõ đức tin, với ba điểm tựa ý nghĩa:
 
1. Vì lời hiệu triệu của Đức Trinh Nữ Maria
Sự hiện diện của bất cứ Trung Tâm Thánh Mẫu nào cũng có cội nguồn là lời hiệu triệu của Đức Trinh Nữ Maria, ban đầu là tự phát biến vùng đất hoang vu thành nơi quy tụ đông người tìm đến cầu nguyện, rồi dần dà được bản quyền địa phương chuẩn nhận và nâng lên thành điểm hành hương, thành địa chỉ biểu tỏ đức tin một cách sống động.
 
Có thể là lời hiệu triệu minh nhiên như lời Đức Mẹ kêu gọi ba trẻ tụ họp lần hạt tại sườn đồi Cova da Iria, để sau này cô đọng lại thành ba huấn lệnh Fatima: cải thiện đời sống; siêng năng lần hạt; tôn sùng trái tim Mẹ. Cũng có thể chỉ là lời Đức Mẹ giục giã cá nhân chị Bernadette “hãy đến uống và rửa tại nguồn nước” Lộ Đức bên cạnh sông Gave, nhưng đã được thế giới đồng cảm để từ đó dòng nước không vơi cạn và dòng người không đứt quãng, mong tìm đến lãnh nguồn phúc ân. Nhưng thường khi, nhất là tại các Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo hội địa phương, chỉ là lời hiệu triệu mặc nhiên qua dáng dấp của một tượng đài gắn liền với một giai đoạn lịch sử, được nhìn nhận như sự che chở hoặc ban ơn nâng đỡ cách riêng của Đức Mẹ. Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao thuộc loại này.
 
Năm mươi năm trước, thánh tượng được đặt lên giữa triền núi cao; thời chiến tranh, thánh tượng bị cây rừng che khuất và hư hại; nhưng hôm nay, thánh tượng được sùng kính giữa lòng một trung tâm hành hương mỗi ngày mỗi đông đúc. Chính đức tin của khách hành hương vào sự hiện diện ban ơn của Đức Mẹ đã trở thành lời hiệu triệu sống động không ngừng vang lên, mời gọi tìm đến học hỏi nơi trường dạy đức tin để biết theo gương Mẹ sống tin yêu Chúa trọn niềm. Chính trong ý nghĩa này, khẩu hiệu của Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã mang lấy hình thức của một lời hiệu triệu: “Đến cùng Đức Mẹ tàpao, Vững lòng trông cậy lẽ nào về không”.
 
2. Vì hiệu ứng của lòng đạo đức bình dân
Tại các Trung Tâm Thánh Mẫu, dù nguồn khách hành hương thay đổi, nhưng ai đến cũng như được liên kết với người khác một cách tự nhiên. Người ta cứ cảm thấy như ở nhà của mình vậy. Tại sao có được tâm tình ấy? Thưa là do hiệu ứng của lòng đạo đức bình dân. Không phải là lòng đạo đức xuất phát từ lớp bình dân hoặc chỉ dành cho giới bình dân như có thể có người hiểu lầm, nhưng là lòng đạo đức phổ cập cho mọi người với những hình thức đơn giản và tâm tình dung dị trìu mến. Lần hạt Mân Côi ai cũng thuộc nằm lòng; chầu Thánh Thể ai cũng trang nghiêm sốt sắng; dâng lễ ai cũng tham dự tích cực; đi Đàng Thánh Giá ai cũng chung lòng kết hợp; và khỏi phải nói, kiệu Đức Mẹ ai cũng muốn tham gia. Đây là những cách diễn tả niềm tin có từ lâu đời và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu phải chọn một cách thông truyền đức tin đem lại kết quả, chắc chắn nhiều người sẽ đồng thuận chọn lòng đạo đức bình dân, không chỉ vì tính giản dị mà còn vì tính lan truyền, người này nâng đỡ cho người kia, nhóm này nêu gương cho nhóm khác, làm thành cách diễn đạt đức tin thật tự nhiên và giàu biểu cảm.
 
Có lần một giáo dân trung niên hỏi tôi rằng: Đức Mẹ ở đâu cũng vẫn là Đức Mẹ, có cần thiết phải hành hương đến các Trung Tâm Thánh Mẫu? Tôi nghĩ không cần trả lời trực tiếp, nên chỉ nhẹ nhàng mời đi hành hương một lần. Sau lần hành hương đó, người ấy thú nhận rằng mình đã bị cuốn hút bởi lòng tin mang tính cộng đồng, hay nói theo kiểu chúng ta ở đây, là bởi hiệu ứng của lòng đạo đức bình dân. Hành hương cũng có nghĩa là chấp nhận đi xa, chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiếu thốn, chấp nhận vất vả, nhưng đó lại là những đóng góp cụ thể vun bồi lòng tin cho mình và cho người. Không phải vô tình mà người xưa thường nhắn nhủ con cháu qua việc so sánh “một lễ xa bằng ba lễ gần” hoặc “một hạt kinh chung bằng một thùng kinh riêng”, mà hữu ý nêu cao hiệu ứng cộng đồng vừa tác động để củng cố lòng đạo, vừa lan truyền để trở thành chứng tá đức tin cho người xung quanh.
 
3. Vì hiệu quả của lòng thương xót
Nói đến tầm quan trọng của Trung Tâm Thánh Mẫu trong công cuộc truyền giáo, người ta không thể không nói đến bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, vốn là hai cột trụ nâng cao cửa ngõ đức tin. Nếu bí tích Hòa Giải giúp phục hồi sự trong sạch tâm hồn thì bí tích Thánh Thể giúp bổ sức hành trình tin yêu. Sức sống của Trung Tâm Thánh Mẫu là đây và sự sống còn của địa điểm hành hương cũng là đây. Người ta tìm đến với Mẹ rồi được Mẹ dẫn tới gặp Chúa Giêsu, và thế là niềm tin được thanh luyện, tình yêu được nảy nở và lòng cậy trông được thêm kiên vững. Ngày nay, đến với Tàpao những dịp hành hương, chắc chẳng ai ngạc nhiên khi thấy đoàn người rồng rắn xếp hàng trước các tòa giải tội. Trong các ơn thiêng Đức Mẹ ban xuống nơi linh địa Tàpao, đây là ơn lạ lùng nhất: ơn hoán cải cuộc đời. “Người ta bảo Mẹ lạ lùng, hiện ra với áo phập phồng gió đưa. Còn con lại thấy lạ chưa, người người hoán cải về chừa tội khiên”.
 
Nhưng Đức Mẹ đâu phải của riêng ai, đâu phải là sở hữu của một lớp người nào, mà là đối tượng yêu mến của mọi người, kẻ gần cũng như người xa, kẻ khỏe mạnh cũng như người đau yếu, cả tín hữu lẫn lương dân, nên các anh chị em chưa biết Chúa Kitô cũng đến với Trung Tâm Thánh Mẫu khá nhiều. Họ đến khấn vái như đến với một Đấng giàu lòng nhân ái, họ đến chân thành như đến với người Mẹ nhân lành. Và thông qua nẻo đường nhiều khi nặng cảm tính ấy, tới lúc thích hợp, tình thương của Mẹ sẽ dẫn họ vào niềm tin. Trong nhiều ý khấn gửi lại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, người ta đọc được những tâm tư này. Chẳng hạn như của một bác tài: “Mẹ ơi con lái xe đò, mười ba mỗi tháng người hò con đi. Bên Mẹ con biết khấn chi, chỉ xin yên ổn mỗi khi đi đường”; hoặc như của một người trẻ: “Mẹ ơi con khách việt kiều, qua trang mạng biết ít nhiều Tàpao. Hôm nay sung sướng biết bao, được leo lên núi để chào Mẹ yêu”.
 
Tóm lại, ba điểm tựa nêu trên: lời hiệu triệu của Mẹ; hiệu ứng của lòng đạo; và hiệu quả của tình thương, đã khiến mỗi Trung Tâm Thánh Mẫu trở nên một cửa ngõ dẫn vào đức tin cách tự nhiên, diễn đạt đức tin cách dung dị và làm chứng cho đức tin cách chân thành. Cách trình bày này thực ra không khác với cách diễn giải ba huấn lệnh Fatima, có điều huấn lệnh thì đến từ Đức Mẹ, còn điểm tựa nâng đỡ Trung Tâm Thánh Mẫu lại đến từ kinh nghiệm sống đạo.
 
Xin Đức Mẹ Tàpao thương che chở và nâng đỡ mọi người trên hành trình đức tin.
Tác giả bài viết: ĐGM Giuse Vũ Duy Thống 
Nguồn: http://gpphanthiet.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Bai-giang/Nhu-la-cua-ngo-duc-tin-DGM-Giuse-Vu-Duy-Thong-3447
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét